Đặc quyền dành cho Nghị sỹ

Ở một số quốc gia, Nghị sỹ và một số chủ thể tham gia vào các quá trình làm việc của Nghị viện được pháp luật trao những đặc quyền nhất định để thực thi trách nhiệm của mình có hiệu quả.
Các đặc quyền có thể là: (1) Quyền miễn trừ các trách nhiệm pháp lý vì những lời nói hay việc làm trong các phiên làm việc của Nghị viện; (2) Không bị bắt đối với các quá trình tố tụng dân sự; (3) Miễn trừ nghĩa vụ bồi thẩm đoàn; (4) Miễn trừ trách nhiệm tham gia với tư cách là người làm chứng; (5) Được bảo vệ để tránh những sự cản trở, can thiệp, trả thù từ người khác.

Quyền tự do ngôn luận

Trong các phiên họp của Nghị viện và các Ủy ban chuyên trách, Nghị sỹ có quyền nói bất cứ điều gì, không phải chịu các trách nhiệm pháp lý ngay cả khi các lời nói, tranh luận mang tính chất phỉ báng người khác.

Vì Nghị viện là một cơ quan đặc biệt, nơi đó công việc chính của các thành viên là nói, thảo luận và tranh luận (speaking, debating and arguing). Chính vì đặc thù công việc là “nói”, nên việc nói của họ cần phải được đảm bảo.

Hơn nữa, đối với một hành vi, có khi người này cho rằng là phỉ báng, nhưng người khác lại cho là không, mà Nghị sỹ không phải là người có quyền phán xét. Do đó, nếu đặt ra trách nhiệm đối với lời nói thì Nghị sỹ sẽ tạo ra tâm lý lưỡng lự khi trình bày quan điểm, cũng như Tòa án sẽ can thiệp vào công việc của Nghị sỹ (một điều không nên trong học thuyết phân quyền).

Không bị bắt đối với các quá trình tố tụng dân sự

Trong các quá trình tố tụng dân sự, Tòa án không thể sử dụng các lệnh trát để bắt giữ các Nghị sỹ.1 Việc tham gia hay không vào các quá trình tố tụng dân sự là quyền của Nghị sỹ. Tuy nhiên, về cơ bản họ sẽ thiện chí tham gia để tránh sự chỉ trích của truyền thông và người dân.

Mặc dù được miễn trừ trong các vụ việc dân sự, Nghị sỹ không được hưởng đặc quyền này trong vụ án hình sự. Bởi tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự xã hội. Việc vi phạm pháp luật hình sự là nhân danh cá nhân, chứ không thể dựa vào một vị trí nào để nhân danh.

Ngoài ra, Nghị sỹ có thể có những quyền hạn khác như quyền yêu cầu người khác có mặt để cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến quyền hạn của mình; hay quyền xuất bản các tài liệu mặc dù có chứa đựng những hành vi làm mất danh dự người khác (defamation). Mỗi viện cũng có quyền áp dụng các hình phạt đối với những người xâm phạm các đặc quyền Nghị viện.

Quyền miễn trừ và các đặc quyền khác dành riêng cho Nghị sỹ là cần thiết. Tuy nhiên, “người có quyền có xu hướng lạm quyền” là điều khá phổ biến. Do vậy, việc quy định càng rõ ràng, cụ thể, chi tiết với những quy trình khắt khe sẽ góp phần hạn chế việc lạm quyền của những người đại diện cho người dân. Hơn nữa, việc ban hành những Bộ quy tắc đạo đức (mặc dù có thể không mang tính chất bắt buộc phải tuân theo) nhưng sẽ có giá trị làm thước đo cho Nghị sỹ hành động. Khi có những tranh chấp về việc có hay không sự tồn tại của đặc quyền nào đó nên trao quyền phán quyết cho Tòa án. Đặc biệt, phiên họp công khai của Nghị viện, tự do báo chí là những kênh quan trọng giúp người dân quyết định cuối cùng thông qua lá phiếu trong các lần bầu cử.



1 Ở nhiều quốc gia, nếu một chủ thể không tuân thủ bất kỳ yêu cầu chính đáng của Tòa án thì họ có thể bị Tòa ra lệnh trát bắt giữ.

Giới thiệu tranductuan
Trần Đức Tuấn - Tư vấn soạn thảo, kiểm tra, giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng (tiếng Việt, tiếng Anh); - Tư vấn thành lập doanh nghiệp; - Tư vấn đầu tư; - Tư vấn liên quan đến luật hình sự; - Tư vấn chuyển nhượng đất đai, chuyển nhượng nhà ở; - Tư vấn liên quan đến luật sở hữu trí tuệ. Phone: 0973313588

Bình luận về bài viết này