Pháp luật bảo vệ đạo đức và các giá trị cộng đồng

Pháp luật định ra các chuẩn mực tối thiểu để yêu cầu các thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ. Nếu vi phạm, các chế tài thường được áp dụng. Trong khi đó, đạo đức thường được đưa ra với tiêu chuẩn cao hơn pháp luật, và đối với từng chủ thể thì chuẩn mực đạo đức lại đặt ra khác nhau. Do vậy luật pháp cần có các quy định mở, linh hoạt để dễ dàng vận dụng vào thực tiễn.

Pháp luật được sinh ra với mục đích bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng. Nếu không có pháp luật bảo vệ hoặc pháp luật không đủ sức mạnh để bảo vệ, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn. Trong quốc gia có nền pháp lý tiên tiến, pháp luật sẽ được phân loại và bảo vệ được các giá trị đạo đức đối với từng đối tượng. Chẳng hạn như, đối với bác sỹ, luật sư, thẩm phán… nếu vi phạm các quy định về nghề nghiệp, họ sẽ bị trừng phạt bằng pháp luật với những chế tài khắt khe hơn so với người bệnh, thân chủ hay đương sự… Và trong một xã hội hoàn hảo, các quy định của pháp luật sẽ trùng với các quy tắc đạo đức, chuẩn mực của xã hội. Khi đó, các quy tắc đạo đức được luật hóa bằng các quy định cụ thể và có hiệu quả thực thi trên thực tế.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp giúp hình thành nên các hành xử chuẩn mực cho cộng đồng, từ từ tạo ra các quy tắc đạo đức được xã hội thừa nhận nếu các quy định của luật pháp là hợp tình, hợp lẽ. Nếu pháp luật không hợp lý, điều này có thể xung đột và làm hại tới các giá trị của đạo đức, và cũng có thể đẩy cả cộng đồng đến với những thói quen xấu bởi việc chấp hành các quy định pháp luật đó.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng mô hình dựa vào ý chí của số đông và bảo vệ các giá trị mà số đông đó định ra để thông qua luật, mà chưa có cơ chế để bảo vệ lợi ích cho thiểu số, thế yếu, hay đi xa hơn đó là sự công bằng, bình đẳng giữa những con người với nhau trong giá trị đạo đức. Theo quy trình này, luật pháp được ban hành bởi đa số tán thành ở Quốc hội (Nghị viện), cơ quan lập pháp gồm các dân biểu đại diện cho ý chí đa số người dân. Sau đó, luật pháp có hiệu lực.

Một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đã áp dụng mô hình kiềm chế và kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế sức mạnh số đông của Nghị viện và bảo vệ lợi ích của thế yếu, thông qua việc trao quyền cho Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp) quyền phủ quyết luật, hay trao cho Tòa án quyền bảo vệ các giá trị căn bản (các giá trị đạo đức được ghi nhận) được quy định trong Hiến pháp (vai trò bảo Hiến). Từ đó, giả sử có một đạo luật được thông qua bởi Nghị viện yêu cầu trục xuất toàn bộ người da màu ra khỏi nước Mỹ, thì bất kỳ một người nào cũng có thể viện dẫn Hiến pháp để đệ đơn lên Tòa án tối cao yêu cầu tuyên đạo luật đó vi Hiến. Những cơ chế như vậy giúp người dân mạnh dạn đứng ra bảo vệ sự công bằng, lẽ phải hay các giá trị đạo đức, chuẩn mực cho cộng đồng.

Ở nước ta, liệu rằng một người tàn tật ngồi xe lăn hay một người nào đó có thể khởi kiện, yêu cầu làm đèn tín hiệu giao thông, thay vì các cầu đi bộ dành cho người đi bộ hay không, khi họ viện dẫn nguyên tắc mọi công dân đều có quyền bình đẳng theo quy định của Hiến pháp?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến đạo đức của người Việt hiện nay đang xuống cấp là luật pháp chưa đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo vệ các giá trị đạo đức.

Có thể viện dẫn một số ví dụ như: Căn cứ Nghị định 167/2013, chỉ áp dụng chế tài hành chính là phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng như đối với người khác (thương tích 11%). Trên thực tế, chế tài này tỏ ra bất lực, bạo lực gia đình vẫn xảy ra thường xuyên. Thiết nghĩ, việc bổ sung các biện pháp khác như “lao động công ích” hay “hình sự hóa” một số hành vi trái đạo đức, luân lý trong mối quan hệ gia đình là cần thiết.

Hay một ví dụ khác, người thầy nhận phong bì của một sinh viên, đổi lại, sinh viên sẽ được cho điểm cao. Khi bị phát hiện, người thầy ấy sẽ bị kiểm điểm hoặc kỷ luật. Nhưng nếu vụ việc này xảy ra ở một số nước khác, người thầy ấy sẽ bị truy tố và có thể ngồi tù một vài năm bởi mối quan hệ đạo lý thầy trò là đặc biệt và cần được bảo vệ bằng những hình phạt đủ tính răn đe. Ở nhiều nước, chế tài hình sự cũng được áp dụng đối với các mối quan hệ như bác sỹ và bệnh nhân, luật sư và thân chủ,…

Có thể nói, trong phần lớn các trường hợp khi các giá trị đạo đức bị xâm phạm thì chưa có chế tài mang tính pháp lý thích đáng để xử lý, răn đe, cũng như thông qua đó để giáo dục người xâm phạm. Chính vì vậy, nên chăng cần ban hành các bộ quy tắc về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành xử đối với một số nghề nghiệp, chẳng hạn như đối với luật sư, bác sỹ, thương nhân… Và điều quan trọng là một khi vi phạm những đòi hỏi chuẩn mực này, họ sẽ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, hình sự một cách thích đáng. Những khẩu hiệu như “lương y như từ mẫu” , “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không có chế tài thì dần dần cũng bị lãng quên.

Ở phạm vi rộng hơn, đối với người dân nói chung, luật pháp cần có các quy định mở, linh hoạt để dễ dàng vận dụng vào thực tiễn bởi không thể liệt kê được tất cả các quy tắc về chuẩn mực đạo đức của xã hội muôn hình vạn dạng vào trong các điều luật. Và để áp dụng có hiệu quả, các cơ quan công quyền, đặc biệt là các quan tòa, cần công tâm giải thích các quy định đó để đưa vào từng trường hợp cụ thể, từ đó bảo vệ các giá trị đạo đức, các chuẩn mực của cộng đồng.

Trần Đức Tuấn

Bài đã đăng trên Tạp chí Tia sáng: Pháp luật bảo vệ đạo đức và các giá trị cộng đồng, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=8345, số 2, ngày 20/1/2015.

Đặc quyền và đặc trách của Đại biểu Quốc hội

Ở New Zealand, pháp luật và thực tiễn xét xử thường đưa ra ba khung khác nhau dành cho ba đối tượng, đó là khung hình phạt thấp nhất dành cho thường dân; tiếp theo là các Nghị sỹ, Bộ trưởng, một số nhân viên cấp cao của chính phủ; và khung cao nhất dành cho những người làm trong các cơ quan tư pháp (thẩm phán, công tố viên, thư ký tòa…).
Quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và quyền định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, các Đại biểu Quốc hội đóng vai trò cốt lõi. Thông qua lá phiếu ủng hộ, người dân đã gửi gắm nguyện vọng, ý chí của mình cho các vị Đại biểu đáng kính ấy, với mong muốn các Đại biểu hoàn thành tốt các bổn phận mà Hiến pháp giao phó trên cương vị là những người thực hiện quyền năng của cơ quan quyền lực tối cao nhất của quốc gia.

Mặc dù Điều 2 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2004 quy định “mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, Hiến pháp vẫn ghi nhận đặc quyền về Tố tụng đối với Đại biểu Quốc hội, mà đôi khi, đặc quyền về Tố tụng có giá trị quyết định. Căn cứ Điều 81 Hiến pháp 2013, “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Hơn nữa, việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội).

Có thể nói, đặc quyền tố tụng này được áp dụng đối với Đại biểu Quốc hội giúp các cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng hơn trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng, tránh việc tùy tiện, lạm dụng việc bắt bớ… của các chủ thể tiến hành tố tụng, gây ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện vai trò dân biểu cũng như đôi khi tạo ra sức ép chính trị nào đó với những người do dân bầu nên.

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, Đại biểu Quốc hội (hay Nghị sỹ) còn được quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự, dân sự đối với các phát biểu trước Nghị trường. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1946 cũng dành quyền miễn trừ này cho các dân biểu.

Có thể nói rằng, các đặc quyền này xuất phát từ cương vị là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, và khi các Đại biểu thực hiện các chức phận vì lợi ích của cử tri, của dân tộc, mà không phải là các hành động vì mục đích tư lợi.

Đặc quyền được hưởng thì đương nhiên trách nhiệm phải tương xứng. Cùng một tội, nếu xử thường dân một thì phải xử quan hai mới hợp lý, bởi vì đối với những người có chức tước, việc phát hiện, xử lý sẽ khó hơn và thông thường họ có hiểu biết và cách thức để “lách” luật hơn. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, cần phải xem xét việc phạm tội có liên quan gì đến cương vị đang đảm trách hay không. Nếu có liên quan, thì đương nhiên sẽ nhận lấy một hình phạt nặng hơn và có thể truy tố vì tội tham nhũng bởi tham nhũng được hiểu là nếu không trên cương vị đó thì người ấy không nhận được lợi ích (vật chất, tinh thần) hay niềm tin để giao cho họ tiền, tài sản…

Ở New Zealand, pháp luật và thực tiễn xét xử thường đưa ra ba khung khác nhau dành cho ba đối tượng, đó là khung hình phạt thấp nhất dành cho thường dân; tiếp theo là các Nghị sỹ, Bộ trưởng, một số nhân viên cấp cao của chính phủ; và khung cao nhất dành cho những người làm trong các cơ quan tư pháp (thẩm phán, công tố viên, thư ký tòa…).

Lần đầu tiên, Quốc hội nước ta có số lượng khá đông đại biểu là doanh nhân (khoảng 40 người), nhân tố quan trọng hứa hẹn đem lại một bầu không khí mới, đưa ra các kế sách góp phần cho cơ quan quyền lực nhất thiết kế lại thể chế kinh tế nước nhà. Mặc dù cơ chế hiện tại còn khá bất cập, nước ta vẫn chưa thấy các doanh nhân trở thành các chính khách như thủ tướng, bộ trưởng, nhưng dành số lượng đáng kể các doanh nhân trong diễn đàn Quốc hội cũng là một bước đi đáng ghi nhận.

Do vậy, các doanh nhân được bầu làm Đại biểu Quốc hội, thay vì đi tìm vị thế để dễ dàng kiếm những cơ hội làm ăn, cần nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề mà người dân tin tưởng, hy vọng. Họ là những người bấm nút để quyết định các vấn đề quan trọng nhất của quốc gia nên sự công tâm, tận tụy với chức phận dân biểu là đặc biệt quan trọng, có khi quyết định của họ ảnh hưởng tới bữa cơm của từng con người trong quốc gia hay sự phồn vinh của đất nước.

Tối 7/1 mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga – một doanh nhân, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như báo chí đưa tin, bà Nga đã cùng đối tác huy động nhiều trăm tỷ đồng của hàng trăm tổ chức cá nhân để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở thương mại nhưng dự án này nay đã mất khả năng thanh toán. Nhiều nạn nhân do bà Nga lừa đảo là những người rất nghèo, tích góp gần cả đời người, được bao nhiêu thì giao cho bà Nga cả. Họ đã nộp thuế trả lương cho Đại biểu, rồi nay, Đại biểu lại lấy luôn “cơm áo gạo tiền” của họ. Như vậy, bà Nga không những không hoàn thành trách nhiệm của một dân biểu, mà còn vi phạm nghĩa vụ của một công dân, đó là chấp hành pháp luật của chính nơi bà Nga làm đại biểu ban hành ra. Do vậy, đối với bà Nga, hình phạt áp dụng phải là cao nhất trong khung hình phạt. Có vậy, pháp luật mới thượng tôn và bản án mới có tính giáo dục, răn đe đối với toàn xã hội nói chung.  

Trần Đức Tuấn
Bài đã đăng trên Tạp chí Tia sáng: Đặc quyền và đặc trách của Đại biểu Quốc hội, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=8314.

Sự độc lập của thẩm phán Tòa án tối cao LB Mỹ

Mặc dù Tổng thống và Thượng viện cố gắng lựa chọn những người có cùng quan điểm với mình vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao, nhưng trên thực tế, các thẩm phán Tòa án Tối cao đều thể hiện sự độc lập của họ đối với chính phủ và nghị viện như khi được bổ nhiệm họ đã trân trọng xin thề.

Xét trên góc độ phân quyền thì Hiến pháp Mỹ là một trong những bản Hiến pháp thể hiện rõ nét nhất. Lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập và chế ước lẫn nhau.

Đầu tiên, sự độc lập được thể hiện trong quy trình xây dựng bộ máy của các nhánh quyền lực. Chẳng hạn, ở hai nhánh lập pháp và hành pháp, các nghị sỹ (thành viên của nghị viện – Thượng viện và Hạ viện) và Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp – chính phủ) được chọn lựa từ các cuộc bầu cử riêng biệt. Còn đối với nhánh tư pháp (tòa án), các nhà lập hiến khởi thủy nước Mỹ đã không dùng phương thức bầu cử để lựa chọn ra các thẩm phán, có lẽ nhằm tạo ra một nhánh quyền lực hoàn toàn độc lập – độc lập ngay cả đối với dư luận, áp lực chính trị, giúp các thẩm phán trở thành những trọng tài nhân danh công lý, lẽ công bằng để phán xử các tranh chấp.

Hiến pháp Mỹ (Điều II, Mục 2) trao quyền bổ nhiệm thẩm phán cho Tổng thống nhưng theo sự khuyến cáo và sự chấp nhận của Thượng viện. Điều này thể hiện sự chế ước của nhánh lập pháp đối với hành pháp trong việc bổ nhiệm thành viên của nhánh tư pháp. Liệu việc trao quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao cho Tổng thống và Thượng viện có làm mất đi tính độc lập của thẩm phán?

Tuy Tổng thống và Thượng viện cố gắng lựa chọn những người có cùng quan điểm với mình, nhưng trên thực tế, các thẩm phán Tòa án Ttối cao khi được bổ nhiệm đã trân trọng xin thề giữ vị thế độc lập đối với chính phủ và nghị viện. Nhờ vậy, các thẩm phán đã giành được sự tôn kính của người dân, cũng như mang lại uy tín, thẩm quyền to lớn cho Tòa án Tối cao trong chính trị và pháp luật nước Mỹ.

Hiến pháp cũng góp phần quan trọng không kém nhằm bảo đảm vị thế độc lập của thẩm phán, theo đó, “các thẩm phán Tòa án Liên bang sẽ có nhiệm kỳ suốt đời nếu làm việc tốt và đảm bảo rằng tiền lương của họ sẽ không bị cắt giảm trong suốt thời gian tại vị” (Điều III, Hiến pháp Mỹ).

Tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán

Hiến pháp trao quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao cho Tổng thống và Thượng viện mà không quy định bất kỳ điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể nào đối với thẩm phán. Tuy nhiên, trên thực tế, thông thường thẩm phán được bổ nhiệm từ các luật sư, hoặc từ các thẩm phán ở các tòa án cấp thấp hơn. Có thể hiểu rằng, trọng trách của thẩm phán là giải thích và áp dụng pháp luật do đó họ phải được đào tạo về luật và có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Ngoài ra, nhờ sự để ngỏ của Hiến pháp mà các thượng nghị sỹ được tự do đưa ra các tiêu chuẩn để bỏ phiếu, như quan điểm chính trị (đảng phái), nhân thân và trình độ tư pháp.

Số lượng thẩm phán tòa án tối cao

Số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao không được quy định trong Hiến pháp, mà do nghị viện quy định trong đạo luật của liên bang. Ngay sau khi Hiến pháp Mỹ ra đời vào năm 1789, Tòa án Tối cao được thành lập theo Luật Tư pháp cùng năm, với số lượng thẩm phán gồm sáu người (một chánh án và năm thẩm phán). Tuy nhiên, từ năm 1801 đến năm 1863, số lượng thẩm phán thay đổi một vài lần, từ năm đến mười người. Vào năm 1866, số lượng thẩm phán là chín người (một chánh án và tám thẩm phán) và con số này cố định từ đó đến nay. Chánh án điều hành Tòa án Tối cao nhưng khi biểu quyết thì chỉ có một phiếu như các thẩm phán khác.

Vượt qua sức ép chính trị

Tòa án Tối cao Mỹ được trao quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật do nghị viện ban hành, các hành vi, chương trình của Tổng thống… Thách thức để thẩm phán vượt qua sức ép chính trị từ người đã bổ nhiệm họ không phải là nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, một khi thẩm phán được bổ nhiệm, họ luôn tỏ rõ sự độc lập của mình, chỉ ra quyết định dưới màu sắc công lý. Có thể kể ra một số ví dụ: Khi Tòa án Tối cao Mỹ xem xét tính hợp hiến của hành động tịch thu các nhà máy thép lớn ở Mỹ của Tổng thống Harry S. Truman, hai trong số bốn thẩm phán do Tổng thống Truman bổ nhiệm đã bỏ phiếu chống. Hay trong vụ án nước Mỹ kiện Tổng thống Nixon sau khi ông từ chối trao các cuốn băng của Nhà Trắng theo lệnh của tòa án và viện dẫn đó là đặc quyền của Tổng thống, ba trong số bốn thẩm phán do Nixon bổ nhiệm đã bỏ phiếu chống lại ông.

Một thí dụ khác, sau khi Tổng thống Roosevelt tái đắc cử, ông đưa ra kế hoạch trình nghị viện bổ nhiệm tối đa, một lúc thêm sáu thẩm phán, nhằm khống chế Tòa án Tối cao, cũng như để “trả đũa” việc Tòa án Tối cao đã tuyên bố vi hiến một số đạo luật trong chính sách Kinh tế mới (New Deal) của ông ở nhiệm kỳ trước. Mặc dù cả Thượng và Hạ viện Mỹ đều ủng hộ chính sách kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt nhưng các nghị sỹ, trong đó có một số người cùng đảng với Tổng thống, đã bác kế hoạch bổ nhiệm này vì họ cho rằng sự độc lập của cơ quan tư pháp quan trọng hơn những bất đồng về chính sách. Có thể nói, nghị viện đã thể hiện tốt vai trò ngăn chặn sự thâu tóm của Tổng thống Roosevelt đối với nhánh tư pháp, không để các quan tòa phụ thuộc hay chịu các áp lực chính trị từ người đứng đầu nhánh hành pháp.

Mới đây, ngày 9/8/2014 tại TP Ferguson, Missouri, thanh niên da màu Michael Brown đã bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết. Vụ việc làm dấy lên làn sóng biểu tình của người da màu suốt thời gian qua, đặc biệt sau ngày 24/11/2014, khi công tố viên hạt St. Louis tuyên bố rằng bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội Wilson.

Mặc dù Hiến pháp Mỹ trao toàn quyền tư pháp cho tòa án, nhưng các thẩm phán cũng phải tuân theo các quy trình tố tụng theo luật định. Trong các vụ án hình sự, bồi thẩm đoàn được trao quyền quyết định buộc tội hay không buộc tội, trong khi các thẩm phán được trao quyền áp dụng các quy định của pháp luật vào vụ án.

Chính vì vậy, khi bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội Wilson, thẩm phán không thể làm khác đi. Liên quan đến vụ án, thẩm phán Tòa án Liên bang chỉ ban trát về việc cảnh sát TP Ferguson vi phạm Hiến pháp vì đã đưa ra lệnh cấm “đứng yên” và cấm quay phim chụp ảnh khi biểu tình.

Có lẽ với vai trò “gác cổng” Hiến pháp, thẩm phán liên bang đã bảo đảm được rằng, nếu vụ án chưa được tiến hành một cách công bằng bởi các nhân viên công quyền thì người dân có quyền lên tiếng, bằng quyền tự do biểu đạt cảm xúc (quyền biểu tình), và thông qua báo chí để giám sát hành vi của các nhân viên công quyền. Điều đó cũng thể hiện, quan tòa liên bang đang nhân danh công lý bảo vệ thế yếu trong phạm vi quyền hạn cho phép bởi Hiến pháp.

Trần Đức Tuấn

Bài đã đã trên Tạp chí Tia sáng: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=8257

Chuẩn mực đạo đức, công vụ

Với sứ mệnh cao cả, nhân danh quyền lực công để thực thi các nhiệm vụ của mình, do đó, ngoài các chuẩn mực của một công dân, nhân viên công quyền còn phải đáp ứng những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ khác.
Ở nước ta, trong Mục 1, Chương II của Luật cán bộ, công chức năm 2008, quy định các chuẩn mực đạo đức, công vụ khá bao quát, nhưng còn khá chung chung, chẳng hạn như: “tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…”. Và các quy định không có chế tài kèm theo nên rất khó thực hiện trên thực tế, chẳng hạn như, “nếu không lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân thì sao?”. Sự khác nhau giữa quy định của pháp luật và quy định thông thường chính là chế tài, là bắt buộc, phải thực thi được trên thực tế.

Ở nhiều quốc gia, ngoài các quy định của luật, nhân viên công quyền còn phải tuân thủ quy định của “Bộ quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền”. Một khi có sự vi phạm các quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền thì họ phải chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý.

Về cơ bản, nội dung chính các quy tắc ứng xử của nhân viên công quyền tập trung vào các đòi hỏi về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành xử công vụ, như:

– Trung thành với Hiến pháp, luật, các nguyên tắc đạo đức lên trên lợi ích cá nhân;

– Không có lợi ích tài chính xung đột với trách nhiệm công vụ được giao;

– Không tham gia vào các giao dịch tài chính (financial transactions) mà sử dụng các thông tin Nhà nước không chính thống hoặc cho phép việc sử dụng không đúng các thông tin đó vì bất kỳ lợi ích cá nhân nào;

– Không đòi hỏi hoặc nhận bất kỳ món quà hay vật có giá trị tiền tệ từ bất kỳ cá nhân, tổ chức đang nhờ sự trợ giúp từ hoạt động công vụ. Một khi nhân viên công quyền vi phạm quy định này, họ sẽ phải bị khởi tố vì tội tham nhũng. Bởi tham nhũng được hiểu là đã, đang nhận hoặc sẽ nhận vật có giá trị liên quan đến hoạt động công vụ từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Và “liên quan đến hoạt động công vụ” có nội hàm rất rộng, được các quan tòa giải thích tùy vào trường hợp nhất định bởi “luật pháp là gì thì thẩm phán phải nói được nó là gì”, nhưng về cơ bản, điều đó có nghĩa là bất kỳ việc làm nào (hành động hoặc không hành động) trên cương vị giao phó và món quà, vật có giá trị đó có được từ vị trí đó. Dễ hiểu nhất khi xem xét có phải là tham nhũng hay không, đó là nếu không ở cương vị đó thì họ không có cơ hội nhận các món quà, vật có giá trị như vậy.

– Phải luôn trung thực trong việc thực hiện các trách nhiệm, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các tài sản công cho mục đích tư lợi.

– Không đối xử thiên vị hay dành sự ưu ái đặc biệt cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; không phân biệt đối xử về mặt giới tính, dân tộc, tôn giáo, quê quán, tuổi tác, tật nguyền…

– Trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ tài sản cơ quan, quốc gia và chỉ sử dụng các tài sản này khi được phép và vì mục đích công vụ.

– Không tham gia vào các công việc, hoạt động bên ngoài mà xung đột với các trách nhiệm được giao.

– Tránh tạo ra các tình huống xâm phạm luật pháp và các chuẩn mực đạo đức.1

Điều quan trọng nhất là quan tòa được giao trách nhiệm giải thích luật pháp để tránh các lỗ hổng pháp lý xảy ra. Chính vì vậy, những hành vi trái với chuẩn mực chung của xã hội sẽ bị xử lý.

Để tăng cường trách nhiệm của các “công bộc” của nhân dân, việc quy định một cách cụ thể hơn về các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ ở nước ta là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, các quan chức cấp cao của chính quyền phải đáp ứng các chuẩn mực cao hơn, chẳng hạn như trách nhiệm minh bạch tài sản từ đầu nhiệm kỳ cho đến khi kết thúc; giải trình tài sản tăng lên một cách đột biến; trách nhiệm hành xử một cách trung thành, minh bạch; hợp tác với báo chí; luôn gần gũi với người dân, bảo vệ, bênh vực người ở vị trí thế yếu; khi xuất hiện trước công chúng, báo chí, quan điểm cá nhân có thể được thể hiện, nhưng luôn phải giữ phẩm hạnh của một vị trí là một quan chức cấp cao của chính quyền…

Để tăng cường trách nhiệm của các “công bộc” của nhân dân, có lẽ việc quy định một cách cụ thể hơn về các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực công vụ ở nước ta là cần thiết. Quan trọng hơn hết, các quy định cần rõ ràng hơn, và cần có các chế tài,  hay trách nhiệm cụ thể nếu vi phạm các chuẩn mực đó. Thực tế luôn muôn hình vạn dạng, nên chăng cần nghiên cứu, trao trọng trách giải thích pháp luật cho tòa án để áp dụng vào thực tế, có như vậy, họ mới thực sự trở thành trọng tài đưa ra công lý.

Trần Đức Tuấn
—————-
1 US Principles of  Ethical Conduct for Government Officers and Employees, Part I.
Bài đã đăng trên Tạp chí Tia sáng  http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=8124

Sự cần thiết một đạo luật riêng để bảo vệ bí mật đời tư !

Trần Đức Tuấn

Bí mật đời tư (Privacy) là một trong những giá trị lớn nhất và là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp ghi nhận.[1] Việc bảo vệ nó tưởng chừng như một điều đơn giản, nhưng trên thực tế, sự vi phạm có thể nói là đang trở nên tràn lan, trở thành mối lo cho xã hội. Các quốc gia đang sử dụng các hình thức khác nhau để bảo vệ, từ quan tòa đến các ủy ban chuyên biệt như Ủy ban bí mật đời tư (Privacy Commissioner).

Sự khó khăn trong việc ngăn chặn sự xâm phạm bí mật đời tư thực sự khó khăn hơn trong kỉ nguyên internet này, khi mà thông tin được lan truyền rất nhanh chỉ sau một cái nhấp chuột máy tính, chúng ta có thể thấy trên các trang báo điện tử rất nhiều thông tin đời tư đáng ra phải được bảo vệ của nhiều cá nhân bị phơi bày. Những người có thông tin cá nhân bị tiết lộ hoặc người thân của họ đôi khi gặp rắc rối trong cuộc sống như kẻ lừa đảo sử dụng thông tin của họ nhằm thực hiện hành vi phi pháp…

Một ví dụ có thể kể ra, đó là việc một ca sỹ bị tố cáo hiếp dâm.[2] Liệu rằng, chỉ cần căn cứ vào bản tố cáo của một người nào đó mà cơ quan nhà nước sẽ có quyền cung cấp với báo chí thông tin về tên tuổi, địa chỉ… của ca sỹ đó hay không? Ngoài ra, chúng ta cũng đặt ra câu hỏi rằng thông tin của người chết có cần được bảo vệ?[3] Và nếu được bảo vệ thì rong trường hợp nào? Hay thông tin của các tổ chức như doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có được xem là bí mật đời tư hay không?[4] Những câu hỏi như vậy đang đặt ra vấn đề về mặt pháp lý của nước ta hiện hành.

Bí mật đời tư tuy được bảo vệ trong Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự nhưng chỉ được viện dẫn khi có “thiệt hại” của nạn nhân (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…)[5] chứ chưa quy định một cách cụ thể, đầy đủ như ai là người có quyền thu thập thông tin cá nhân người khác, trình tự thu thập, lưu giữ, sử dụng, tiết lộ thông tin cá nhân như thế nào…[6]

Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cũng thật khó xác định mức độ thiệt hại thực tế như thế nào trong trường hợp bí mật đời tư bị xâm phạm. Đặc biệt, đó là sự thiếu vắng hành lang pháp lý để bảo vệ bí mật đời tư không bị tiết lộ cũng như những chế tài (dân sự, hành chính và hình sự) áp dụng đối với ngay cả những trường hợp không có thiệt hại xảy ra nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của công dân cũng như mang tính giáo dục chung.

Do đó, đôi khi chúng ta (đặc biệt là những người nổi tiếng trước công chúng) phải tự mình đi tìm “phương án” để bảo vệ bí mật đời tư cho mình chứ không phải là quyền đương nhiên đã được bảo vệ chặt chẽ bởi luật.

Với sự cần thiết có một đạo luật về bí mật đời tư (privacy act) dựa trên những nguyên tắc cốt lõi nhất định sau đây sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng góp phần tích cực bảo vệ bí mật riêng tư của các cá nhân trong cộng đồng:

Một là, mục đích của việc thu thập thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân chỉ được thu thập cho một mục đích hợp pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người thu thập thông tin[7]. Ví dụ như các quan tòa thu thập thông tin của bị cáo cho mục đích xét xử.

Và việc thu thập thông tin như vậy là cần thiết cho mục đich đó. Chẳng hạn, Điều tra viên không được thu thập thông tin của bị can với mục đích cung cấp cho báo chí, mà chỉ khi cần thiết cho hoạt động điều tra.

Hai là, nguồn của thông tin cá nhân

Thông tin được thu thập từ chính cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin; hoặc người thu thập thông tin có thể thu thập ở các nguồn khác khi có căn cứ cho rằng thông tin đó đã có sẵn trên thông tin đại chúng hoặc cá nhân bị thu thập thông tin đã ủy quyền cung cấp thông tin cho người khác; hay những trường hợp như để phục vụ cho quá trình điều tra, phát hiện, buộc tội người phạm tội; bảo vệ lợi ích công cộng…

Ba là, thông báo cho người bị thu thập biết về việc thu thập thông tin

Việc thu thập thông tin phải đảm bảo cho cá nhân bị thu thập thông tin biết về việc thông tin của họ đang bị thu thập. Ngoài ra, người bị thu thập thông tin cũng được biết về mục đích của việc thu thập thông tin; tên, địa chỉ của người thu thập và người sẽ giữ thông tin đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người thu thập thông tin không cần phải thông báo cho người bị thu thập thông tin để bảo vệ lợi ích công cộng, hoặc có lý do chính đáng cho rằng việc thông báo sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng của mình theo quy định của pháp luật.

Bốn là, phương thức thu thập thông tin

Thông tin cá nhân không được thu thập theo những cách không hợp pháp, chẳng hạn như: đặt máy quay phim bí mật trong nhà người khác… với những cách thức thu thập thông tin như vậy, thì thông tin đó cũng sẽ không được sử dụng (ví dụ: chứng cứ tại phiên tòa…)

Năm là, việc lưu giữ và bảo vệ thông tin cá nhân

Người nắm giữ thông tin phải đảm bảo rằng thông tin đó được bảo vệ bằng những biện pháp thích hợp trong phạm vi quyền hạn của mình, để tránh thông bị được lưu giữ bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, sửa đổi hay tiết lộ, loại trừ những trường hợp được luật quy định (ví dụ như: theo yêu cầu cung cấp thông tin của Tòa án…).

Sáu là, việc tiếp cận, sửa chữa thông tin của người bị thu thập thông tin,

Người bị thu thập thông tin được quyền yêu cầu người lưu giữ thông tin xác nhận về việc lưu giữ thông tin và họ có quyền tiếp cận cũng như yêu cầu sửa chữa những thông tin sai lệch về họ. Theo yêu cầu của người bị thu thập thông tin, người lưu giữ thông tin theo thẩm quyền của mình phải thực hiện các bước để sửa chữa những thông tin sai lệch đó.

Bảy là, kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi sử dụng

Người giữ thông tin không sử dụng thông tin được thu thập nếu không thực hiện các cách thức hợp lý để xác định thông tin đó có chính xác hay không, đã được cập nhật đầy đủ và phù hợp với mục đích của việc sử dụng nó?

Tám là, không được giữ thông tin cá nhân người khác khi không cần thiết

Người giữ thông tin sẽ không được lưu giữ thông tin cá nhân người khác lâu hơn thời gian như đã yêu cầu cho các mục đích mà thông tin được sử dụng.

Chín là, những giới hạn của việc sử dụng, tiết lộ thông tin cá nhân

Người giữ thông tin chỉ được sử dụng, tiết lộ thông tin theo mục đích mà thông tin được thu thập. Chỉ được sử dụng, tiết lộ cho mục đích khác trong những trường hợp sau:

  • Thông tin có sẵn trên thông tin đại chúng
  • Khi được phép của người bị thu thập thông tin
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng, tiết lộ thông tin đó để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố người phạm tội
  • Nhằm bảo vệ lợi ích công cộng
  • Hoặc việc sử dụng, tiết lộ thông tin đó cho mục đích khác là cần thiết để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra như tới sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia, tính mạng hay sức khỏe của người bị thu thập thông tin hoặc người khác
  • Thông tin được sử dụng, tiết lộ dưới hình thức mà không thể nhận ra đó là thông tin của người bị thu thập thông tin.

Hy vọng rằng, Luật Bí mật đời tư sẽ sớm ra đời, nhằm tạo ra cở sở pháp lý cần thiết để bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân, một trong những giá trị thiêng liêng của mỗi con người, tránh tình trạng vi phạm bí mật đời tư như hiện nay, có thể nói là đang tràn lan trên các mặt báo. Tất nhiên, quyền bí mật đời tư không phải là quyền “tuyệt đối”mà đôi khi nó cũng bị chồng lấn bởi “quyền tiếp cận thông tin” của người khác hay “sức khỏe cộng đồng” (lợi ích công cộng) nhưng nhà nước cũng phải đảm bảo quyền bí mật đời tư được bảo vệ bởi vì đó là lợi ích hợp pháp của cá nhân./.

[1] Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001), Điều 73, “Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật”.

[2] Xem Ca sỹ Châu Việt Cường yêu chứ không hãm hiếp nữ sinh, http://ngoisao.net/tin-tuc/hinh-su/2012/04/ca-si-chau-viet-cuong-yeu-chu-khong-ham-hiep-nu-sinh-195868/, ngày 5/4/2012

[3] Xem Em trai nữ đại gia “siêu đám cưới” tử vong, http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/64832/em-trai-nu-dai-gia–sieu-dam-cuoi–tu-vong.html, ngày 20/3/2012

[4] Pháp luật của đa số các nước chỉ xem bí mật đời tư là thuộc về các thể nhân (natural persons) hay con người tự nhiên, còn sống. Thông tin của các tổ chức (có tư cách pháp nhân hay không có tư cách pháp nhân) sẽ được bảo vệ dưới dạng như bí mật kinh doanh hay bí mật quốc gia… (Xem thêm: Australian Privacy Act 1988, http://www.austlii.edu.au/au/legis/cth/consol_act/pa1988108/s6.html#information_privacy_principle ; New Zealand Privacy Act 1993, http://www.legislation.govt.nz/act/public/1993/0028/latest/DLM296639.html ; German Federal Data Protection Act (Bundesdatenschutzgesetz, BDSG), http://www.iuscomp.org/gla/statutes/BDSG.htm )

[5] Xem Bộ luật dân sự 2005, Chương XXI (Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)…; Bộ luật Hình sự, Điều 125 (Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác)

[6] Bộ luật dân sự, Điều 38 qui định về quyền bí mật đời tư:

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

  1. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
  2. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Việc quy định một cách chung chung như vậy đã dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau về việc xác định bí mật đời tư. Bí mật đời tư là gì? Bí mật đời tư của một nhóm người có được bảo vệ hay không?…

[7] Người thu thập thông tin có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, một số cơ quan như Quốc hội hay Tòa án được luật quy định cụ thể không phải là đối tượng điều chỉnh của người thu thập thông tin.

Bài đã được đăng trên báo Vnexpress: http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/can-co-luat-bao-ve-bi-mat-doi-tu-3113603.html

Facebook đang “giết chết” thời gian của giới trẻ?

Trường học, gia đình, công ty, công sở có thể khóa trang Facebook vào những giờ nhất định nhằm hạn chế  lạm dụng Facebook …

Ngày nay Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống cũng như đối với công việc của hầu hết mọi người. Cùng với sự phát triển của Internet, các trang mạng xã hội (social networks) ra đời như Yahoo, Twitter, Facebook… đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gây ra nhiều tác hại cho cuộc sống của người sử dụng.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Facebook được xem là một trong những trang mạng được nhiều người sử dụng nhất, đặc biệt là giới trẻ. Facebook đã đem lại một giá trị to lớn, chẳng hạn như, nó là một công cụ kết nối mọi người rất tiện lợi và miễn phí hay để chúng ta tìm kiếm những người bạn cũ, cũng như chia sẻ các thông tin về cuộc sống, công việc.

Ngoài ra, người sử dụng Facebook có thể tạo ra các nhóm, trang riêng để chia sẻ, trao đổi những vấn đề về học tập, công việc, cuộc sống với những người trong nhóm…sinh viên có thể sử dụng Facebook cho việc học nhóm, thông tin bài tập về nhà, hạn nộp bài kiểm tra…

Hơn nữa, Facebook tạo ra một môi trường để mọi người thảo luận, bàn luận, đưa ra các ý kiến về các vấn đề xảy ra trong xã hội. Từ đó, có thể giúp người sử dụng cập nhật các thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Nhiều người cũng nhờ Facebook để kinh doanh, buôn bán. Với số lượng người sử dụng rất lớn đến từ mọi nơi trên toàn cầu, Facebook là một kênh hiệu quả để nhiều tập đoàn, công ty quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến người tiêu dùng. Cũng như, những người nổi tiếng, các câu lạc bộ bóng đá… quảng bá hình ảnh, gần gũi hơn với người hâm mộ thông qua việc cập nhật hàng ngày các tin tức.

Mặc dù việc sử dụng Facebook đem lại nhiều lợi ích đáng kể, nhưng khi chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian quý giá thì nó trở nên có hại. Và có lẽ, điều có hại nhất của Facebook là nó khiến chúng ta bị “nghiện”. Ở Việt Nam, việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook được nhìn thấy dễ dàng ở giới trẻ. Có thể nói, nhiều bạn trẻ đang “ăn Facebook, uống Facebook, và ngủ cũng Facebook”.

Tất nhiên, thật khó để đưa ra khái niệm thế nào là “dành thời gian quá nhiều” nhưng buổi sáng ngủ dậy cố chụp một bức ảnh, rồi photoshop và đưa lên facebook, ngồi “canh” xem có bao nhiêu người thích (like), bình luận (comment). Hay cứ tới bữa ăn chụp ảnh các món ăn và với các việc tương tự như vậy, cũng như vào giờ học, khi thầy giáo ngoảnh lên bảng thì cố lướt Facebook xem có gì mới trên Facebook không, hay mở một cuốn sách, mới được 2 phút thì ngó Facebook một lần thì quả thực đó là thời gian đang bị lãng phí cho Facebook.

Mặc dù, vẫn chưa có thống kê con số cụ thể nhưng tôi nhận thấy rằng chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, sử dụng Facebook chỉ với mục đích đăng ảnh, chát chít hoặc chia sẻ việc ăn uống…là chủ yếu.

Facebook là một kênh mang lại cho chúng ta giá trị giải trí. Việc đăng ảnh, chia sẻ ăn uống cũng được coi là tốt để giải trí nhưng như đã phân tích ở trên, việc dành thời gian quá nhiều dẫn đến nghiện là có hại. Có thể, gián tiếp ảnh hưởng tới học hành, công việc và cuộc sống của người sử dụng.

Ngoài ra, có một số tác hại không hề nhỏ khác từ việc sử dụng không đúng Facebook, ví dụ như: Việc chia sẻ thông tin cá nhân quá nhiều dẫn đến việc bị đánh cắp thông tin cá nhân, mà nhiều đối tượng sử dụng cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hay một số người lập các trang nhóm để chỉ trích, mạt sát hay bình luận tiêu cực về người khác.

Ở một khía cạnh nào đó, Facebook là một trang mạng ảo. Chúng ta không nên “sống” trên thế giới ảo quá nhiều, chẳng hạn như, lạm dụng việc trò chuyện qua Facebook sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp trực tiếp…

Để khắc phục những hạn chế này, có thể nói nhận thức của người sử dụng đóng vai trò quyết định nên có câu “Tự mình cứu lấy mình”. Tuy nhiên, mỗi người một hoàn cảnh, một nhận thức, một suy nghĩ khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ, với nhận thức, kiến thức còn hạn chế. Do vậy, giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng internet nói chung, hay đối với Facebook nói riêng. Giáo dục về việc sử dụng Facebook không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường, mà còn là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, hay các cơ quan, công sở. Chẳng hạn như, các trường học, gia đình, công ty, công sở có thể khóa trang Facebook vào những giờ nhất định (có thể là giờ hành chính). Điều này hạn chế học sinh, sinh viên vào Facebook vào các giờ học, hạn chế nhân viên, công chức “lấy” giờ cơ quan để vào Facebook.

Có thể nói, Facebook là sự thống nhất của hai mặt đối lập, lợi và hại. Nếu chúng ta biết khai thác các giá trị của nó để sử dụng đúng mục đích thì nó mang lại các giá trị rất đáng kể.

5 điều khiến bạn trở thành công dân tốt

Công dân tốt không chỉ “đọc sách thánh hiền”, mà phải thông qua hành động cụ thể để chứng tỏ mình là người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Theo nghĩa chung nhất, công dân tốt là những người luôn thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong khả năng và bổn phận. Họ phải thể hiện mình không phải là người chỉ đọc sách thánh hiền, mà phải thông qua hành động cụ thể để chứng tỏ mình là người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Có thể liệt kê ra một số đặc điểm chính của một công dân tốt như sau:

Thứ nhất, biết tôn trọng người khác. Mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được tôn trọng về thể xác, nhân phẩm, danh dự và quyền sở hữu tài sản (để sinh tồn). Vì vậy, muốn được người khác, xa hơn là cả cộng đồng tôn trọng, thì trước hết họ phải biết tôn trọng các giá trị căn bản của con người. Đôi khi, hãy tự đặt vị trí của mình vào người khác để biết cách tôn trọng người khác.

Thứ hai, không làm hại tới môi trường. Môi trường riêng (có thể trong khuôn viên nhà, sân vườn) sạch sẽ, trong lành nhưng con cá không thể sống trong cái ao đó mãi được, mà biển cả, môi trường chung cũng cực kỳ quan trọng.

Không xả rác bừa bãi, nên coi đường phố, sân ga, nơi công cộng như sân vườn nhà mình bởi chính từng cá nhân trong chúng ta đang thụ hưởng không gian chung đó. Nói rộng ra, đó cũng là bộ mặt của cả quốc gia, trong đó có mình là thành viên bởi không ai có thể hãnh diện sạch sẽ nếu mặt mũi đầy bùn đất.

Bảo vệ môi trường đang là nhiệm vụ hàng đầu của hầu hết chính phủ các quốc gia. Chính vì vậy mà trong giáo dục, những bài học về bảo vệ môi trường thường được đưa vào các cấp, lớp học. “Mỗi ngày nhặt một vật rác” là một trong mười tiêu chí đầu tiên để trở thành công dân tốt được đặt ra tại Mỹ.

Thứ ba, biết lắng nghe, học hỏi. Mỗi người sinh ra, dù học đến cấp độ cao siêu nào cũng không thể biết hết, cư xử, hành động đúng đắn đối với mọi vấn đề.

Việc tôn trọng ý kiến người khác, biết lắng nghe học hỏi để trau dồi, tu dưỡng, nâng cao hiểu biết của bản thân là điều thiết yếu để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội phát triển.

Cổ nhân có câu “chín người, mười ý”. Điều quan trọng là mình luôn đặt ở vị trí khiêm nhường “luôn là người học” và cần có cách nhìn nhận rằng: Người ta đưa ra ý kiến khác với mình là chuyện bình thường, đồng thời người ta đang tôn trọng mình khi đưa ra quan điểm thẳng thắn do mỗi người một hoàn cảnh, một nhận thức khác nhau nên quan điểm, ý kiến trái chiều không có gì sai.

Những ý kiến trái chiều thẳng thắn ấy mới giúp chúng ta trưởng thành và nhờ các cá thể trong xã hội trưởng thành mới giúp xã hội phát triển. Qua đó, chính chúng ta lại là người thụ hưởng trong xã hội đó.

Thứ tư, biết giúp đỡ, cảm thông, đứng về phía những người kém may mắn hơn.

Một tỉ phú dành một triệu đồng để làm từ thiện với mong muốn quảng bá hình ảnh chưa chắc đã nhân văn bằng một bữa cơm của một nông dân nghèo cho một đứa trẻ. Chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ người khác và việc làm nên xuất phát từ tâm sáng.

Ngoài ra, việc chấp hành luật pháp của quốc gia và tôn trọng nhân viên công quyền (như cảnh sát, những người làm việc trong bộ máy chính quyền) cũng rất quan trọng.

Muốn một xã hội trật tự thì mỗi cá nhân phải có ý thức xây dựng nó. Pháp luật phải là thước đo, khuôn mẫu để công dân tuân thủ. Nhân viên công quyền, thay vì sử dụng quyền lực được người dân giao phó để mục đích tư lợi, hãy vì sứ mệnh cao cả, vì vinh dự to lớn được nắm giữ quyền lực công để thực thi các quyền ấy một cách công tâm nhất.

Cuối cùng, phải luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh dân tộc bằng cách tôn trọng, đối xử bình đẳng với người nước ngoài hay người từ các dân tộc khác, người từ thành phần xã hội khác…

Tổ quốc là cha, là mẹ. Việc giữ gìn, làm đẹp hình ảnh dân tộc không thuộc trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của tất cả công dân trong toàn xã hội, bởi Hình ảnh dân tộc là hình ảnh cha mẹ, tổ tiên mình.

Trách nhiệm đó cũng thể hiện trong câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Mỹ, John F. Kennedy: “Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country” (đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc).

Để một quốc gia có những thế hệ là công dân tốt, trách nhiệm nặng nề đè trên vai ngành giáo dục. Thay vì chỉ dạy lý thuyết đơn thuần trên lớp học cho học sinh, nên kết hợp cùng với những hành động cụ thể.

Đó là những buổi dã ngoại, nhặt rác, cắt cỏ công viên hay tuyên dương, khuyến khích những việc làm tốt, ví dụ như ủng hộ từ thiện cho những người kém may mắn hơn,cho người nghèo những quần áo, đồ dùng gia đình không còn nhu cầu sử dụng…

Dạy trẻ từ thuở còn thơ. Nên tập thói quen cho những đứa trẻ cách ứng xử thân thiện, tôn trọng người khác, luôn mỉm cười với mọi người xung quanh.

Ngoài ra, chính phủ cũng như các tổ chức nên có các chương trình từ thiện, không chỉ bằng cách quyên góp vật chất mà chương trình từ thiện bằng hành động.

Mọi lúc, mọi nơi, ai cũng đều có thể tham gia các chương trình từ thiện, chẳng hạn như nơi mà sinh viên tham gia giúp đỡ, chăm sóc người già, tàn tật vào một buổi sáng thứ 7. Tham gia tư vấn cho các gia đình không xả rác bừa bãi hay mở một cửa hàng đồ cũ, nơi mà mọi người có thể quyên góp các đồ đạc còn giá trị để bán làm từ thiện.

Giáo dục còn bắt nguồn từ luật pháp. Luật pháp chứa đựng những bài học, chuẩn mực hướng công dân có những hành động đúng đắn. Tuy nhiên, luật pháp không tồn tại nếu nó không được thực thi nghiêm minh, công bằng đối với tất cả các công dân trong cộng đồng.

Đối với một số vi phạm, không nên chỉ quy định phạt tiền mà cần bổ sung chế tài “lao động công ích” để làm cho người có tiền không thể dựa vào sự giàu có của mình để “chà đạp” lên luật pháp. Chẳng hạn như vứt rác bừa bãi nên có chế tài là “đi nhặt rác”, từ đó mới hình thành nên ý thức của một công dân tốt.

Tóm lại, đất nước văn minh được xây đắp bởi các thành viên có ý thức, trách nhiệm. Mỗi công dân một bổn phận, một sứ mệnh. Để trở thành công dân tốt, hãy luôn làm tốt nhất những gì là có thể trong bổn phận, sứ mệnh ấy, không làm bất kỳ việc gì làm xấu đi hình ảnh của bản thân, của cộng đồng.

Bài đã đăng trên Báo VnExpress: http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/5-dieu-khien-ban-tro-thanh-cong-dan-tot-2963725.html

(Xem thêm: Michael Sandel, What’s the right thing to do, Episode 10)

Cần tăng cường vai trò ngành Kiểm sát trong việc phòng chống tham nhũng – Trần Đức Tuấn

Không phải là một cơ quan thuộc Chính phủ như cơ quan Công tố của nhiều quốc gia, Viện kiểm sát ở nước ta là một hệ thống cơ quan độc lập có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Là cơ quan duy nhất đại diện cho quyền lực Nhà nước trong việc truy tố người phạm tội, cũng như có vai trò rất lớn trong việc phòng và chống tội phạm, Viện kiểm sát được ví như ‘cánh cửa thép’ bảo vệ pháp luật, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tham nhũng xảy ra ở mọi quốc gia, sự khác nhau về thứ hạng trên bảng xếp hạng nằm ở chỗ mức độ tham nhũng như thế nào và một khi hành vi tham nhũng bị phát hiện thì việc xử lý ra sao, cũng như các yếu tố khác trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như pháp quyền, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền hay báo chí có được tự do đưa tin về tham nhũng hay không.

Ở hầu hết các quốc gia, những người làm việc trong nhánh hành pháp (Chính phủ) có xu hướng lạm quyền nhiều nhất bởi nhánh hành pháp thường là trung tâm của quyền lực, các nhánh lập pháp và tư pháp được sinh ra mặc dù thường được nghiên cứu dưới góc độ nhằm kiểm soát và chế ước quyền lực hành pháp. Tuy nhiên, sứ mệnh giúp nhánh hành pháp vận hành có hiệu quả của hai nhánh còn lại không hề bị xem nhẹ.

Và chính vì nhánh hành pháp là trung tâm của quyền lực nên việc thực thi công vụ nhằm mục đích tư lợi (hiểu theo nghĩa rộng đều là tham nhũng) trong nhánh này thường xuyên xảy ra.

Ở nước ta, ngành Kiểm sát nhân dân độc lập khá tương đối so với Chính phủ là một lợi thế rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với Cơ quan điều tra, Tòa án. Do vậy, Viện kiểm sát có vai trò khá bao quát trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.

Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó Khoản 2, Điều 3 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc bổ sung “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” là một tiến bộ đáng kể trong bản Hiến pháp sửa đổi.

Là một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm sát viên chuyên lĩnh vực luật pháp, có lẽ sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, Viện kiểm sát nên được giao thêm một số quyền hạn và trách nhiệm nhất định để việc “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước” trong việc thực hiện quyền lực nhà nước đạt hiệu quả cao. Điều này trực tiếp và gián tiếp giúp ngành Kiểm sát thực hiện tốt hơn trong việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến chức vụ, tham nhũng.

Mặc dù Viện kiểm sát có lợi thế là cơ quan chuyên về luật, tuy nhiên để làm tốt hơn nữa vai trò của mình, cũng như trong việc phát hiện, đấu tranh phòng ngừa tội phạm tham nhũng, Viện kiểm sát cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ công chức, Kiểm sát viên về loại tội phạm này, đặc biệt chú trọng vào các kỹ năng, nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Không kém phần quan trọng, việc học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với nước ngoài là rất cần thiết đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Mặc dù Viện kiểm sát đã có đơn vị đầu mối trong việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự và trong những năm qua, giúp Viện kiểm sát phối hợp, tương trợ tư pháp nhiều vụ án phức tạp, xuyên biên giới với nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, các chuyên gia, Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát chuyên về lĩnh vực phòng chống tham nhũng có thể trực tiếp tham gia tương trợ tư pháp với nước ngoài vẫn còn hạn chế. Việc tham gia vào các thiết chế tài phán quốc tế hay trực tiếp chỉ huy điều tra các vụ án tham nhũng mang tính xuyên quốc gia, cũng như việc hiểu biết các quy định của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng vẫn còn là một trong những khó khăn đối với cán bộ, công chức, Kiểm sát viên Ngành Kiểm sát nhân dân.

Lời kết

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu ở nước ta trong nhiều năm qua. Với những lợi thế nhất định, bên cạnh những khó khăn cần được tạo điều kiện để khắc phục, việc tăng cường vai trò, chức năng, quyền hạn cũng như trách nhiệm của ngành Kiểm sát được xem là một giải pháp tối ưu trong ‘cuộc chiến’ chống tham nhũng./.

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Kiểm sát.

“Cách mạng” giáo dục: Thư viện phải là trung tâm của trường đại học

Tôi vẫn hay nói đùa với nhiều người rằng, các trường đại học của Việt Nam chỉ có thể sánh vai với các trường đại học có uy tín trên thế giới khi nhà hiệu bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển thành thư viện. Khi đó, người học mới là trung tâm của giáo dục, chứ không nên mang nặng quản lý hành chính nhà nước như hiện nay.

Tham quan các trường đại học danh tiếng, cái mà người ta nhìn thấy đầu tiên, có ấn tượng nhất đó là thư viện.

Giáo dục đại học lấy tự học của sinh viên làm căn bản và người thầy với vai trò chính là những người hướng dẫn thay vì những người thợ giảng. Thư viện không chỉ là nơi người học tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ học tập, mà thư viện còn là nơi tạo ra môi trường tự học cho sinh viên. Thư viện được ví là xương sống của các trường đại học.

Thứ nhất, thư viện là nơi người học tìm kiếm tài liệu, thông tin.

Sách in được xem như một nhân tố không thể thiếu đầu tiên của thư viện. Sách phải phong phú, đa dạng về lĩnh vực, được sắp xếp khoa học để giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm. Ngoài ra, sách phải được bổ sung theo thời gian (có thể theo kiến nghị của các giảng viên, sinh viên…).

Người đọc có thể mượn sách trong khoảng thời gian nhất định (có thể là 2 giờ đồng hồ đối với các loại sách hiếm, nhiều người mượn; hoặc vài ngày, vài tuần tùy theo khả năng nhu cầu mượn). Nếu người đọc trả sách muộn, thư viện nên áp dụng hình phạt tiền thay vì hình phạt treo thẻ một thời gian nhất định như một vài trường ở nước ta.

Ngoài sách in, thư viện cũng là nơi cung cấp các tạp chí, chuyên đề và báo chí… cho người đọc.

Đặc biệt, trong thế kỷ của truyền thông hiện đại, các tài liệu điện tử đóng góp một vai trò không thể thiếu cho người học. Những cuốn sách, tạp chí khoa học chuyên sâu online giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm, tham khảo và nghiên cứu.

Để có được những trang sách, tạp chí điện tử hay, đòi hỏi các trường phải đầu tư một khoản kinh phí cũng không hề nhỏ để mua bản quyền. Đây cũng là một trong những khó khăn của các trường đại học ở các nước đang phát triển.

Hơn nữa, thư viện nên trang bị máy tính để sinh viên có thể miễn phí sử dụng. Lắp đặt hệ thống mạng không dây (wifi) dành cho sinh viên để giúp những người có máy tính xách tay sử dụng (mỗi sinh viên có riêng một tài khoản để sử dụng).

Thứ hai, thư viện vừa tạo ra một môi trường yên tĩnh để học tập, vừa là nơi để các hoạt động tập thể (như thảo luận nhóm, nơi mọi người có thể kết giao bạn bè).

Thư viện thường rộng, bao gồm các phòng tự học, phòng thảo luận, có thể đáp ứng được số lượng lớn sinh viên học tập, đặc biệt  là vào thời gian thi.

Ngoài ra, giờ mở cửa của thư viện không nên theo giờ hành chính mà thường mở cửa một thời gian đủ dài (ví dụ như từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 30 đêm đối với các ngày từ thứ hai đến thứ 6, và có thể đóng sớm hơn vào ngày cuối tuần). Để thư viện hoạt động được một thời gian dài trong ngày như vậy, nhân viên thư viện nên được bố trí theo ca.

Nhờ việc thư viện là nơi lý tưởng để học tập, hầu hết các thư viện của các trường uy tín trên thế giới đều có phòng ăn cho sinh viên. Việc trang bị microway hay bình lọc nước uống, bình đun nước… cũng phần nào giúp thư viện trở thành ngôi nhà thứ hai của sinh viên.

Thái độ phục vụ của nhân viên thư viện

Để thư viện mang lại hữu ích cao cho người đọc, nhân viên thư viện cũng đóng góp một phần rất đáng kể. Các nhân viên thư viện phải là người nắm rõ hoạt động, các dịch vụ của thư viện, tận tình với công việc, coi người đọc là “khách hàng”. Họ phải có thái độ tận tình, niềm nở khi sinh viên cần sự trợ giúp về cách sử dụng các tiện ích của thư viện như hướng dẫn cách tra cứu, tìm kiếm được những cuốn sách, tài liệu phù hợp…

Khi sinh viên có yêu cầu, ngay cả khi các tài liệu mà thư viện không có, nhân viên thư viện cũng sẵn sàng mượn cho sinh viên từ các thư viện khác.

Sự hướng dẫn có hiệu quả của nhân viên thư viện sẽ giúp người đọc tiết kiệm thời gian trong việc sử dụng các tiện ích của thư viện. Thái độ phục vụ thân thiện của nhân viên thư viện sẽ làm người đọc cảm thấy thoải mái khi ghé thăm thư viện.

Thay vì lời kết

Thư viện có vai trò xương sống của các trường đại học, không chỉ là nơi người đọc tìm kiếm tri thức, mà nó còn là nơi học tập, nghiên cứu lý tưởng, cũng là nơi diễn ra các hoạt động xã hội.

Đa số thư viện ở các trường đại học ở nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc như số lượng về đầu sách ít, các sách chuyên khảo chưa có chất lượng cao, đặc biệt là các tài liệu online còn rất hạn chế, giờ mở cửa quá ngắn… Hơn nữa, khuôn viên của thư viện khá hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn… Chính vì vậy, thư viện chưa phải là địa điểm mà sinh viên ghé thăm thường xuyên.

Việc cải cách giáo dục ở nước ta đang được tiến hành, sự thay đổi cách nhìn biến người học thành trung tâm là một hướng đi đúng. Nghiên cứu, học hỏi từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới rất cần thiết để áp dụng linh hoạt ở nước ta. Đôi khi cũng thật khó để thay đổi cả một nền giáo dục ngay một lúc mà chính những sự thay đổi, cải thiện nho nhỏ như những cái thư viện lại tạo ra hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi cả nền giáo dục./.

Trần Đức Tuấn

Đặc quyền dành cho Nghị sỹ

Ở một số quốc gia, Nghị sỹ và một số chủ thể tham gia vào các quá trình làm việc của Nghị viện được pháp luật trao những đặc quyền nhất định để thực thi trách nhiệm của mình có hiệu quả.
Các đặc quyền có thể là: (1) Quyền miễn trừ các trách nhiệm pháp lý vì những lời nói hay việc làm trong các phiên làm việc của Nghị viện; (2) Không bị bắt đối với các quá trình tố tụng dân sự; (3) Miễn trừ nghĩa vụ bồi thẩm đoàn; (4) Miễn trừ trách nhiệm tham gia với tư cách là người làm chứng; (5) Được bảo vệ để tránh những sự cản trở, can thiệp, trả thù từ người khác.

Quyền tự do ngôn luận

Trong các phiên họp của Nghị viện và các Ủy ban chuyên trách, Nghị sỹ có quyền nói bất cứ điều gì, không phải chịu các trách nhiệm pháp lý ngay cả khi các lời nói, tranh luận mang tính chất phỉ báng người khác.

Vì Nghị viện là một cơ quan đặc biệt, nơi đó công việc chính của các thành viên là nói, thảo luận và tranh luận (speaking, debating and arguing). Chính vì đặc thù công việc là “nói”, nên việc nói của họ cần phải được đảm bảo.

Hơn nữa, đối với một hành vi, có khi người này cho rằng là phỉ báng, nhưng người khác lại cho là không, mà Nghị sỹ không phải là người có quyền phán xét. Do đó, nếu đặt ra trách nhiệm đối với lời nói thì Nghị sỹ sẽ tạo ra tâm lý lưỡng lự khi trình bày quan điểm, cũng như Tòa án sẽ can thiệp vào công việc của Nghị sỹ (một điều không nên trong học thuyết phân quyền).

Không bị bắt đối với các quá trình tố tụng dân sự

Trong các quá trình tố tụng dân sự, Tòa án không thể sử dụng các lệnh trát để bắt giữ các Nghị sỹ.1 Việc tham gia hay không vào các quá trình tố tụng dân sự là quyền của Nghị sỹ. Tuy nhiên, về cơ bản họ sẽ thiện chí tham gia để tránh sự chỉ trích của truyền thông và người dân.

Mặc dù được miễn trừ trong các vụ việc dân sự, Nghị sỹ không được hưởng đặc quyền này trong vụ án hình sự. Bởi tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự xã hội. Việc vi phạm pháp luật hình sự là nhân danh cá nhân, chứ không thể dựa vào một vị trí nào để nhân danh.

Ngoài ra, Nghị sỹ có thể có những quyền hạn khác như quyền yêu cầu người khác có mặt để cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến quyền hạn của mình; hay quyền xuất bản các tài liệu mặc dù có chứa đựng những hành vi làm mất danh dự người khác (defamation). Mỗi viện cũng có quyền áp dụng các hình phạt đối với những người xâm phạm các đặc quyền Nghị viện.

Quyền miễn trừ và các đặc quyền khác dành riêng cho Nghị sỹ là cần thiết. Tuy nhiên, “người có quyền có xu hướng lạm quyền” là điều khá phổ biến. Do vậy, việc quy định càng rõ ràng, cụ thể, chi tiết với những quy trình khắt khe sẽ góp phần hạn chế việc lạm quyền của những người đại diện cho người dân. Hơn nữa, việc ban hành những Bộ quy tắc đạo đức (mặc dù có thể không mang tính chất bắt buộc phải tuân theo) nhưng sẽ có giá trị làm thước đo cho Nghị sỹ hành động. Khi có những tranh chấp về việc có hay không sự tồn tại của đặc quyền nào đó nên trao quyền phán quyết cho Tòa án. Đặc biệt, phiên họp công khai của Nghị viện, tự do báo chí là những kênh quan trọng giúp người dân quyết định cuối cùng thông qua lá phiếu trong các lần bầu cử.



1 Ở nhiều quốc gia, nếu một chủ thể không tuân thủ bất kỳ yêu cầu chính đáng của Tòa án thì họ có thể bị Tòa ra lệnh trát bắt giữ.